Trang chủ Liên hệ

Bạn trẻ gây quỹ từ thiện - Kỳ 1: 1.001 loại hình kinh doanh

Admin 18/12/2020

Bạn trẻ gây quỹ từ thiện - Kỳ 1: 1.001 loại hình kinh doanh

27/06/2013 06:09 (GMT + 7)
 
 
TT - Gặp khó trong vận động doanh nghiệp tài trợ kinh phí, quà tặng cho những chuyến đi từ thiện, gần đây các nhóm bạn trẻ thiện nguyện trên địa bàn TP.HCM đã nghĩ ra hình thức kinh doanh kiếm lãi, tự thu nhặt từng đồng quỹ để duy trì hoạt động.
Tình nguyện viên nhóm thiện nguyện Vòng Tay Ấm bán báo gây quỹ cho các hoạt động công tác xã hội của nhóm. Mỗi sáng chủ nhật nhóm bán được xấp xỉ 3.000 tờ báo - Ảnh: Phước TUẦN

 

Từ bán rau, bán báo, hát rong cho đến kinh doanh dịch vụ ăn uống..., hàng chục đội nhóm thiện nguyện trẻ đang nỗ lực chia sẻ khó khăn với những mảnh đời kém may mắn không chỉ bằng tấm lòng mà còn bằng công sức lao động.

Bán hoa tươi dịp lễ tình nhân, 8-3, bán áo thun nhân sự kiện Giờ Trái đất, không có sự kiện thì bán đĩa game, mỹ phẩm, nước hoa online do doanh nghiệp hỗ trợ quyên góp, bí lắm thì lấn sang bán... bảo hiểm xe máy! Trên đây là một vài hình thức kinh doanh mà các thành viên nhóm Bus Yêu Thương từng kinh qua.

Nhiều loại hình kinh doanh

Nói “một vài” bởi ngay cả thành viên lâu năm nhất của nhóm cũng không nhớ hết để kể. “Tụi mình chắc giống thợ đụng. Người ta đụng đâu làm đó, còn tụi mình đụng gì bán đó!” - bạn Trịnh Lê Anh Vũ (21 tuổi, thành viên nhóm Bus Yêu Thương) nói vui.

Vũ kể đến khi không còn đồng vốn nào để kinh doanh buôn bán vì đã dùng hết vào các chuyến thăm tặng quà cho trẻ em vùng sâu vùng xa, nhóm lại í ới gọi nhau tụ tập ở công viên trước nhà thờ Đức Bà... hát rong gây quỹ. Người vượt hàng chục cây số từ Bình Dương đến kéo violon, kẻ vác trống thùng, guitar về góp tiếng, chỉ vậy thôi mà trong một tiếng rưỡi biểu diễn các nghệ sĩ sinh viên cũng quyên góp được ngót nghét cả chục triệu đồng kèm vô số quần áo, giày dép, đồ chơi cũ cho trẻ em.

Nhưng bán rong, hát rong thôi thì không đủ nuôi những chuyến đi dài dọc đất nước nên từ tháng 4 năm ngoái, nhóm quyết định góp vốn thuê mặt bằng trên đường Nguyễn Văn Đậu (Q.Bình Thạnh), kinh doanh dịch vụ ăn uống với toàn bộ êkip từ đầu bếp, kế toán, nhân viên... đều là các bạn trẻ tình nguyện phục vụ không công.

Theo ghi nhận, trong các loại hình kinh doanh gây quỹ, bán báo là lựa chọn phổ biến nhất của các nhóm thiện nguyện bởi vốn đầu tư ít, kiếm lãi nhanh. Mỗi sáng chủ nhật hằng tuần, người dân thành phố khu vực quanh công viên Tao Đàn đã quen với hình ảnh một nhóm cô cậu nom thư sinh ôm xấp báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên rao bán khắp nẻo đường. Đó là các bạn sinh viên - thành viên của nhóm trẻ tình nguyện Vòng Tay Ấm. Theo chị phó chủ nhiệm Nguyễn Lê Thùy Dung, số tiền thu được từ bán báo được góp hết vào quỹ hỗ trợ người già, trẻ em cơ nhỡ, lang thang. Với giá 5.000 đồng/tờ cho hơn 3.000 tờ báo được bán ra, nhóm đủ sức xoay xở tiền quà bánh, thăm nom, chia sẻ cái mặc miếng ăn với những mảnh đời côi cút.

Cũng mở sạp bán báo, kết hợp trồng, bán rau, sim điện thoại... là những hoạt động chính của nhóm Vì Cộng Đồng. Tranh thủ diện tích đất ruộng được một ngân hàng cho mượn, các tình nguyện viên của nhóm nhón chút thời gian sau giờ học thay phiên kéo về chăm bón vườn rau. Số rau xanh, mướp, bí thu hoạch được, phần tặng cho các nhà mở, mái ấm, phần được nhóm chở ra chợ bán gây quỹ. Ngoài ra, đáp ứng thị hiếu thị trường, nhiều nhóm thiện nguyện cũng cho nở rộ hàng loạt dịch vụ phong trào như mở quán trà chanh “chém gió”, phô mai que, bạch tuộc nướng... nhằm tăng nguồn kinh phí trang trải cho các hoạt động từ thiện.

Ý tưởng từ trong cái khó

“Ban đầu nguồn quỹ hoạt động của CLB chủ yếu vận động từ doanh nghiệp. Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp gặp khó khiến việc vận động được manh áo, quyển tập cũng nhiêu khê hơn. Đó là lúc nhóm nghĩ đến việc phải tìm cách tự chủ kinh phí mới mong duy trì được hoạt động” - chị Lê Thị Phượng, phó chủ nhiệm CLB Vì Cộng Đồng, cho biết. Đó cũng là căn nguyên chung đưa đẩy các nhóm bạn trẻ thiện nguyện bén duyên với việc buôn bán, kinh doanh.

Với thầy Nguyễn Hữu Bình (giảng viên đại học, người sáng lập nhóm Bus Yêu Thương) thì ý tưởng cho sinh viên - thành viên nhóm tự kinh doanh gây quỹ còn đến từ trăn trở sau nhiều lần đi xin tài trợ bị... đuổi. “Ngẫm lại thì người ta đuổi mình cũng có phần... đúng. Là người trẻ thì dù hoạt động từ thiện cũng phải sáng tạo cách tự lực chứ chẳng lẽ cứ đi xin hoài?” - thầy tâm niệm. Từ đó, bằng đồng lương đi dạy cộng với thu nhập thêm từ việc kinh doanh riêng, thầy mạnh tay trao tiền cho sinh viên làm ăn, buôn bán. Vậy là các bạn nghĩ ra cái gì, thầy cho bán cái đó nên mới có chuyện bữa nay nhóm bán hoa tươi, vài bữa sau lại dọc ngang bán báo, bán áo thun rồi lại bán bảo hiểm xe máy! Sinh viên kinh doanh nên lời có lỗ có, nhưng xoay dọc xoay ngang cũng đủ kinh phí cho các chuyến xe về vùng nông thôn, biên giới tặng quà cho trẻ em nghèo.

Không như các nhóm hoạt động kinh doanh xuyên suốt, một số nhóm tình nguyện khác như Tâm - được thành lập hơn một năm với đội ngũ tình nguyện viên chủ yếu là sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - lại kinh doanh theo kiểu “nước dâng đến đâu, núi vươn cao đến đó”, chỉ bắt tay buôn bán gây quỹ khi có kế hoạch cho những chuyến thiện nguyện xa. Mới đây nhất, để bổ sung kinh phí cho chuyến thăm trẻ em tại xã An Hòa, huyện Trảng Bàng (Tây Ninh) nhân Ngày quốc tế thiếu nhi 1-6, các bạn mới mở quán trà chanh trên một đoạn vỉa hè đường Phan Văn Trị (Q.Gò Vấp). Chuyến đi kết thúc, quán trà chanh cũng... dẹp tiệm, đợi đến đợt hoạt động sau lại mở bán.

HẢI THI - PHƯỚC TUẦN

Bài viết liên quan