Gái bán dâm: Thả về, làm sao quản!
Thứ Năm, 11/10/2012 23:24
Sắp tới, hàng ngàn gái mại dâm sẽ không còn bị quản giữ tại các trung tâm, cơ sở chữa bệnh. Từ đó, hàng loạt vấn đề về quản lý lực lượng này được đặt ra mà không dễ giải quyết
Theo Nghị quyết 24/2012 của Quốc hội về việc thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (có hiệu lực từ ngày 1-7-2013), người bán dâm chỉ bị xử phạt hành chính và không bị áp dụng biện pháp giáo dục tại địa phương, không bị đưa vào cơ sở chữa bệnh.
Bài toán hóc búa
“Từ ngày 2-7, không chỉ TPHCM mà nhiều địa phương khác đã “thả” phụ nữ từng hành nghề mại dâm đang bị quản lý tại các trung tâm giáo dục, lao động xã hội” - ông Lê Đức Hiền, Phó cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết. Dự kiến đến ngày 1-7-2013, gần 1.000 phụ nữ mại dâm đang lao động tại các trung tâm cũng sẽ được trở về với gia đình.
Ông Lê Tiến Thăng, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội số 2 (huyện Ba Vì - TP Hà Nội), cho biết: “Trung tâm đang quản giữ 260 phụ nữ hành nghề mại dâm. Trong đó, thường có khoảng 30% quay lại nghề cũ sau khi kết thúc thời hạn bị quản giữ”. Theo ông Thăng, sau khi đưa về trung tâm, kết quả kiểm tra sức khỏe cho thấy số học viên nghiện ma túy lên tới 50%, số nhiễm HIV lên tới 30%.
“Chúng tôi thật sự lo ngại khi người bán dâm chỉ bị xử phạt hành chính mà không bị đưa về các trung tâm giáo dục. Nếu quản lý không tốt sẽ gây ra nhiều hệ lụy xã hội phức tạp. Đa số phụ nữ mại dâm có trình độ học vấn thấp, nhà nghèo nên dễ bị lôi cuốn, dụ dỗ” - ông Thăng phân tích.
Trong khi đó, trong Bộ Luật Hình sự, hành vi bán dâm không được xếp vào nhóm tội phạm. Theo ông Lê Đức Hiền, bỏ quy định đưa người bán dâm vào các trung tâm giáo dục, cơ sở chữa bệnh được coi là nhân đạo vì họ là những người lầm lỗi, không cần phải áp dụng biện pháp giáo dục nặng. “Hầu hết phụ nữ bán dâm ở các trung tâm đều mắc các bệnh xã hội, nghiện ma túy, thậm chí số nhiễm HIV cũng không phải ít. Đây là điều lo ngại nhất của những người làm quản lý khi quy định mới có hiệu lực” - ông Hiền bày tỏ.
Trước lo ngại quy định mới có thể khiến nạn mại dâm bùng phát, ông Hiền cho rằng việc đưa phụ nữ mại dâm vào trung tâm chỉ là một trong những giải pháp để răn đe, sắp tới cần có thêm những biện pháp quản lý khác.
Công nhận để kiểm soát?
Cũng về vấn đề này, ông Trần Thế Quân, Vụ phó Vụ Pháp chế (Bộ Công an), cho biết sắp tới, việc xem xét xử lý hình sự sẽ tập trung vào các đối tượng môi giới, tổ chức bán dâm. “Khi bàn luận bỏ quy định đưa gái bán dâm vào trung tâm, cơ sở chữa bệnh, ngành công an và LĐ-TB-XH đã bày tỏ lo ngại về việc quản lý đối tượng này. Vì vậy, sắp tới ngành chức năng cần theo dõi chặt thực tế để đưa ra được những biện pháp quản lý hiệu quả” - ông Quân nói.
Trong khi đó, TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học), cho rằng: Quy định mới có phải là động thái cởi mở hơn đối với nạn mại dâm? “Theo xu hướng, mại dâm phải được nhìn nhận như một hiện tượng tất yếu của xã hội. Khi bàn đến vấn đề này, không ít đại biểu Quốc hội cũng như các nhà hoạt động xã hội đã cho rằng cần tính tới việc công nhận và đưa hoạt động mại dâm vào diện quản lý để kiểm soát” - ông Bình bày tỏ.
Ông Bình cho biết thêm các cuộc khảo sát mới đây cho thấy sự hiểu biết của người dân và phụ nữ mại dâm về việc bảo vệ mình cũng như tránh gây lây nhiễm các bệnh xã hội đã được nâng cao đáng kể. Việc sớm công nhận mại dâm là một hoạt động xã hội sẽ giúp chúng ta quản lý xã hội bền vững hơn. Song ông Bình cũng cho rằng người làm luật rất sợ công nhận nghề mại dâm bởi sẽ mang tiếng là “trái thuần phong mỹ tục”. “Chính vì thế, tôi nghĩ vấn đề này sẽ còn loanh quanh, luẩn quẩn” - ông Bình nhìn nhận.
Không biết bàn giao cho ai Ông Nguyễn Kim Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Hà Nội, cho biết chi cục vừa có văn bản xin ý kiến của Bộ LĐ-TB-XH về việc thả các đối tượng bán dâm đang quản lý. Trong số hàng trăm phụ nữ bán dâm tập trung tại các trung tâm, có không ít người vi phạm 2-4 lần và có khoảng 8%-10% nhiễm HIV. “Chúng tôi chưa dám cho phụ nữ bán dâm đang tập trung về vì chưa biết sẽ bàn giao họ cho gia đình hay địa phương, có cần yêu cầu họ cam kết không tái phạm hay không,…” - ông Hùng cho biết. |